Chia sẻ về NCKH trong sinh viên.

       Nghiên cứu khoa học (NCKH) chiếm một vai trò quan trọng trong đời sống con người nói chung và trong các hoạt động học thuật, tư duy trong môi trường giáo dục nói riêng. Chính vì lý do đó, hoạt động NCKH tại Việt Nam, và đặc biệt là tại các trường Đại học, Cao đẳng được chú trọng và khuyến khích phát triển. Thời sinh viên, tôi đã dành hầu hết thời gian cho hoạt động này. Tôi nhận thấy rằng, bên cạnh những điểm sáng đáng khen ngợi, hoạt động này còn nhiều hạn chế và cần có được sự quan tâm nhiều hơn từ phía nhà trường, các giảng viên với vai trò là người định hướng, hướng dẫn đề tài; và nhất là từ các bạn sinh viên. Trong bài viết này tôi có mong muốn chia sẻ một số quan điểm, nhận định của mình về hoạt động NCKH đến với các bạn sinh viên!

1. NCKH và lợi ích của NCKH đối với sinh viên

1.1. Một số khái niệm

Collis & Hussey (2014) chỉ ra rằng: Nghiên cứu là một quá trình tham vấn và điều tra một cách có hệ thống và có phương pháp nhằm làm gia tăng lượng kiến thức. Có nhiều cách thức phân loại nghiên cứu tùy theo các tiêu chí khác nhau. Trong đó, nếu chỉ xét đến mục đích sử dụng kết quả nghiên cứu thì có thể chia NCKH thành hai dạng cơ bản: Nghiên cứu hàn lâm và Nghiên cứu ứng dụng. NCKH trong trường đại học, về thực tế, thường hướng đến cả hai dạng cơ bản trên.

Có thể nói rằng thời gian làm SV là một trong những quãng thời gian đáng nhớ nhất của đời người, do đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng, khi sự ràng buộc từ phía gia đình và nhà trường đối với mỗi cá nhân đã giảm đáng kể, và thay vào đó là khả năng tự chịu trách nhiệm về hành vi, cách cư xử và tương lai của họ. Thực tế cho thấy có nhiều SV tận dụng tốt thời gian này và đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành những người có ích, phục vụ cho đất nước. Ngược lại, cũng có những SV ỷ lại, lãng phí thời gian và nỗ lực của mình và trở thành gánh nặng không nhỏ cho xã hội.

1.2. Lợi ích của NCKH đối với SV

Với chính sách khuyến khích SV tham gia NCKH ở các trường như hiện nay, có thể nói SV nhận được khá nhiều lợi ích từ hoạt động này. Các lợi ích tiêu biểu có thể tập hợp lại thành hai nhóm chính.

Thứ nhất, phải kể đến sự gia tăng đáng kể về kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu. Tham gia NCKH đòi hỏi người nghiên cứu phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện kiến thức của mình, do đó việc tìm kiếm và đọc thêm các tài liệu bổ trợ là cần thiết. Thông qua điều này, kỹ năng nghiên cứu cũng như kiến thức phục vụ cho đề tài của các bạn SV sẽ tăng lên. Thêm vào đó, SV có cơ hội được làm việc cùng với Giảng viên hướng dẫn (GVHD) nên sẽ được định hướng và chỉ dẫn thấu đáo hơn đối vớicác vấn đề nghiên cứu.

Thứ hai, hoạt động NCKH giúp SV tăng cường các kỹ năng bổ trợ cần thiết cho công việc cuộc sống sau này như: kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng quản lý thời gian, làm việc nhóm, các kỹ thuật tin học, … trong đó quan trọng nhất là khả năng tư duy phản biện độc lập, sáng tạo, nhìn các sự vật, sự việc ở nhiều khía cạnh khác nhau để có cách hiểu toàn diện nhất.

2. Thuận lợi và khó khăn của SV khi tham gia NCKH

Trong thời gian học tập tại trường, việc SV tham gia hoạt động NCKH có những thuận lợi và khó khăn như sau:

2.1.Thuận lợi:

2.1.1. Thời gian linh động

Bước vào ngưỡng cửa đại học, thời gian lên lớp của SV đa số không nhiều như khi học phổ thông. Nhiều trường đại học hiện nay đã chuyển đổi sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Cách thức này giúp SV chủ động hơn trong việc bố trí lịch học của mình sao cho thuận tiện nhất. Trong khi đó, thời gian là một yếu tố quan trọng làm nên một công trình NCKH khả thi. Điều đó cho thấy SV có khả năng hoàn thành tốt nghiên cứu của mình nếu các bạn biết tận dụng tối đa thời gian của mình.

2.1.2. Sức trẻ của SV

SV ngày nay mang trong mình sức trẻ của thời đại mới. Các bạn tìm kiếm hướng đi cho mình một cách tích cực, không ngại thể hiện ý tưởng mới của mình. Đây là một đặc điểm rất cần thiết cho hoạt động NCKH. Sự sáng tạo giúp mở ra các hướng nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu mới. Tính năng động tạo điều kiện cho người nghiên cứu chủ động tìm tòi, học hỏi, và sự tự tin giúp họ đứng vững với lập trường của mình. Đây là những tố chất cần có ở một nhà nghiên cứu.

2.2. Khó khăn

2.2.1. Lãng phí thời gian và các nguồn lực khác

Việc quản lý bớt chặt chẽ của gia đình và nhà trường, một mặt mang lại cho SV những đặc tính chủ động tích cực, thì mặt khác lại tạo điều kiện cho những tính cách có phần tiêu cực “sinh sôi”. Như một lẽ tự nhiên, khi không có những hối thúc và tự thân vận động thì các bạn SV sẽ trở nên lười và lãng phí nhiều thứ hơn như: Thời gian, tiền bạc, nguồn lực và cả sức khỏe của mình. Một số SV hầu như không làm gì khác ngoài việc học và chơi. Ngoài ra, cũng có nhiều SV tốn thời gian và các nguồn lực của mình cho các hoạt động khác bên ngoài hoạt động học thuật (học tập, nghiên cứu khoa học) như hoạt động xã hội, tình nguyện, làm việc bán thời gian, … So với những bạn không làm gì cả ngoài việc học và chơi, thì SV tham gia các hoạt động khác được đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều bạn vì quá mải mê tham gia những hoạt động này mà chính việc học tập và nghiên cứu của bạn cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp SV bỏ dở công trình nghiên cứu đầy hứa hẹn của mình chỉ vì các bạn không quán xuyến hết thời gian dành cho việc học, thi và làm.

Việc quản lý không tốt thời gian, tiền bạc và các nguồn lực khác là những trở ngại lớn đối với NCKH trong SV vì hoạt động này đòi hỏi một sự đầu tư nghiêm túc, có kỷ luậtvà kiên nhẫn đi từ đầu đến cuối chặng đường.

2.2.2. Thiếu các kiến thức và thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động NCKH

Khác với giảng viên vốn là những người có kinh nghiệm trong hoạt động Khoa học vì đặc thù của nghề, SV là những đối tượng lạ lẫm và mới mẻ của NCKH. Các bạn SV, đặc biệt là SV năm nhất, năm hai thiếu nhiều kiến thức cần thiết về chuyên ngành, cũng như phương pháp nghiên cứu để có thể thực hiện một đề tài khoa học. Hệ quả là nhiều bạn SV đến khi gần ra trường vẫn chưa biết cách tìm thông tin nghiên cứu như thế nào là hợp lý, hay làm sao biết được tính khả thi của đề tài, … và các GVHD khi ấy cũng vất vả khá nhiều trong việc trang bị cho các bạn lại kiến thức nền của NCKH.

Ngoài ra, SV có nhiều quan niệm chưa chính xác về NCKH như: NCKH rất khó, rất tốn thời gian, khô khan,  không được lợi ích gì. Nhiều SV tham gia nghiên cứu chỉ vì được tính điểm rèn luyện. Điều này có thể do các bạn chưa có được thông tin đầy đủ về NCKH và những điều hay, thú vị mà hoạt động này mang lại.

2.2.3. Kỹ năng làm việc nhóm chưa cao

Một trong những khó khăn nữa của SV khi tham gia hoạt động NCKH là kỹ năng làm việc nhóm còn nhiều khiếm khuyết.  Nhận biết được những hạn chế về năng lực nghiên cứu và kiến thức chuyên ngành của SV, nhiều cuộc thi NCKH cho phép SV tham gia theo nhóm. Chẳng hạn như Cuộc thi “Tài năng Khoa học trẻ” cho phép SV tham gia theo nhóm không quá năm (05) thành viên. Đây là một cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với các bạn SV tham gia cuộc thi. Nhiều nhóm nghiên cứu đã không đi đến được chặng cuối do mâu thuẫn trong nội bộ nhóm về vấn đề phân công công việc, định hướng, trách nhiệm,…Nguyên nhân của tình trạng này là do SV chưa hình thành được ý thức hoạt động tập thể, trái lại, các bạn đang có xu hướng cô lập mình với thế giới bên ngoài khi mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động NCKH trong nhà trường, việc thiếu kỹ năng làm việc nhóm còn tác động lâu dài đến thái độ sống và công việc của các bạn sau này. Đây là một vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc để tìm ra giải pháp phù hợp.

3. Một số đề xuất nâng cao nhìn nhận của SV đối với hoạt động NCKH

3.1. Hoàn thiện về kiến thức chuyên môn và phương pháp nghiên cứu khoa học

Trở thành SV Đại học là một niềm vui, niềm tự hào không chỉ với bản thân SV mà còn của cả gia đình, thầy cô, bè bạn. Thiết nghĩ với một môi trường học tập, nghiên cứu năng động, sáng tạo, các bạn SV cần phải đầu tư nhiều hơn cho công việc chính yếu của một người SV là nghiên cứu và học tập. SV cần hoạch định rõ những loại kiến thức, kỹ năng mà mình cần có để có thể thành công trong quãng đường đại học nhiều chông gai này thông qua việc tham khảo ý kiến của các anh chị đi trước hoặc các thầy cô đang trực tiếp giảng dạy. Khi đã có định hướng cụ thể thì phải cố gắng tuân theo các bước mà mình đã đặt ra trong thời gian hợp lý nhất, quyết tâm thực hiện đến cùng. Có kiến thức, có phương pháp nghiên cứu sẽ giúp các bạn SV cảm thấy Nghiên cứu khoa học không phải là một cái gì đó thật xa lạ mà là một điều rất thân quen và không kém phần hấp dẫn.

3.2. Linh động trong việc sắp xếp kế hoạch, thời gian

Như phần 2.2.1. đã đề cập, đa số SV rất lơ là với vấn đề quản lý thời gian của mình. Nhiều SV dành phần lớn thời gian trong ngày chỉ để nói chuyện hoặc tham gia các diễn đàn và mạng xã hội với hiệu quả rất thấp. Quản lý thời gian hiệu quả sẽ giúp cuộc sống và việc học bớt ngột ngạt hơn và các mục tiêu đặt ra sẽđược đạt đến một cách nhanh chóng nhất.

3.3. Hoạt động nhóm hiệu quả

Thái độ hợp tác tương trợ nhau góp phần quan trọng trong thành công của hoạt động nhóm, dẫn đến thành công chung của công trình NCKH. Khi lựa chọn nhóm, cần lưu ý đến tính cách và quan điểm của các cá nhân sao cho mọi người có thể hiểu và làm việc cùng nhau. Bên cạnh đó, nhóm cần chọn ra một nhóm trưởng có tiếng nói và có thể đại diện nhóm giải quyết những công việc chung. Nhóm trưởng phải là người có tinh thần trách nhiệm cao và khả năng quản lý tốt. Nhóm trưởng phân công công việc hợp lý, đôn đốc việc hoàn tất công việc một cách khéo léo nhưng hiệu quả. Mộ tđiều cần lưu ý là thái độ và hành động của nhóm trưởng góp phần quyết định vào sự đoàn kết hay chia rẽ của nhóm. Vì vậy, việc lựa chọn nhóm trưởng cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

Lời kết

Hoạt động NCKH mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sự phát triển của đời sống xã hội và đất nước. Thực tế vẫn còn có nhiều rào cản từ nhiều phía đối với hoạt động này, và điều đó cũng đã làm nản lòng không ít các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên. Mặc dù vậy, theo quan điểm của tôi, sức mạnh và ý chí nội tại giữ vai trò quan trọng. Thông qua một ít chia sẻ này, tôi hy vọng các bạn SV sẽ tích cực tham gia hoạt động NCKH giữa cuộc sống, công việc và việc học với rất nhiều lo toan.  Hy vọng rằng NCKH trong  SV sẽ tiếp tục một mảng sáng trên bức tranh NCKH của Việt Nam ta trong thời gian đến!

Sưu tầm, hiệu chỉnh và chia sẻ!
Nhật Thương