Các tiêu chí và phương pháp đánh giá hai nền tảng điện toán đám mây IoT AWS và GCP trong ứng dụng Smarthome

Thực hiện đánh giá và so sánh toàn diện 2 nền tảng IoT hàng đầu thế giới với rất nhiều dịch vụ và tính năng khác nhau trong khuôn khổ chuỗi bài viết này một cách đầy đủ và chi tiết là không khả thi. Vì vậy nhóm mình sẽ đánh giá 2 nền tảng bằng phương pháp cùng triển khai song song trên mô hình hệ thống IoT thực tế với kịch bản nhà thông minh, quy trình cụ thể bao gồm các bước sau:

  • Bước 1: Nghiên cứu, đề xuất kiến trúc tổng quát của một hệ thống IoT khi triển khai ứng dụng nền tảng điện toán đám mây. Các đề xuất gồm: khung phân loại gói tin, kiến trúc luồng dữ liệu, định dạng gói tin;
  • Bước 2: Đề xuất bộ tiêu chí đánh giá hai nền tảng điện toán đám mây IoT dựa trên quá trình khảo sát, tìm hiểu tổng quan gồm: tiêu chí đánh giá định lượng và tiêu chí đánh giá định tính;
  • Bước 3: Thiết kế các kịch bản nhà thông minh phù hợp để thực hiện đánh giá bộ tiêu chí đề xuất ở Bước 2;
  • Bước 4: Thiết kế 2 mô hình phần cứng hệ thống với nguyên lý giống nhau hoàn toàn (dùng cho 2 nền tảng) có khả năng thực thi các kịch bản nhà thông minh trong thực tế đã thiết kế ở Bước 3;
  • Bước 5: Triển khai hệ thống nhà thông minh đã xây dựng ứng dụng nền tảng AWS IoT và Google IoT theo quy trình kiến trúc tổng quát đã đề xuất ở Bước 1;
  • Bước 6: Thực hiện phân tích đánh giá định lượng (dựa trên các tính toán, biểu đồ trực quan số liệu) và các đánh giá định tính (dựa trên nguồn tài liệu chính của mỗi nền tảng cùng với các đúc kết, kinh nghiệm rút ra được trong suốt quá trình triển khai hệ thống).

Để thực hiện đánh giá và so sánh hai nền tảng, luận văn đề xuất bộ tiêu chí được gán nhãn từ T1 đến T8 gồm:

  • Tiêu chí đánh giá định lượng:
    • T1: Thông lượng
  • Tiêu chí đánh giá định tính:
    • T2: Quản lý thiết bị
    • T3: Định tuyến gói tin từ IoT Core đến các dịch vụ khác
    • T4: Giao thức hỗ trợ kết nối thiết bị và ứng dụng
    • T5: Thông báo đẩy
    • T6: Bảo mật, xác thực và ủy quyền máy khách
    • T7: Công cụ phát triển phụ trợ
    • T8: SDK và API hỗ trợ

Điện toán đám mây là việc cung cấp các dịch vụ điện toán theo yêu cầu qua môi trường Internet, cùng với sự phát triển của xu thế Internet of Things đã thúc đẩy hình thành nên các dịch vụ điện toán đám mây IoT. Phần đã nêu tổng quan, phân loại, các mô hình triển khai và lợi ích chính của điện toán đám mây cùng với Internet of Things; bên cạnh đó là phân tích lựa chọn nền tảng điện toán đám mây IoT cho đề tài cùng phương pháp thực hiện quy trình đánh giá và đề xuất tiêu chí đánh giá. Chi tiết về quá trình thiết kế và triển khai sẽ được trình bày cụ thể ở các Phần sau của Chuỗi bài So sánh và đánh giá các nền tảng điện toán đám mấy IoT trong kịch bản Nhà thông minh.

Tìm hiểu thêm:
Fanpage Cộng đồng Kỹ thuật TAPIT: TAPIT – Learning, Research and Sharing Community

Chuỗi bài viết được thực hiện và chia sẻ bởi LCV.Khải và Các nhóm nghiên cứu tại Cộng đồng Kỹ thuật TAPIT
Chúc các bạn thành công!