Phân tích và lựa chọn Nền tảng đám mây cho ứng dụng Nhà thông minh

Nền tảng điện toán đám mây IoT ra đời là kết quả tất yếu với sự kết hợp giữa công nghệ IoT và điện toán đám mây, đóng vai trò là thành phần trung tâm trong kiến trúc IoT giúp kết nối thế giới thực với thế giới ảo và cho phép các đối tượng giao tiếp với nhau.

Trong 4 lĩnh vực công nghệ chính tạo nên các ứng dụng IoT được mô tả ở bài viết Internet of Things: Định nghĩa và kiến trúc, nền tảng IoT xuất hiện như là một thành phần phụ trợ tập trung ở lĩnh vực phần mềm, phải được tích hợp các tiêu chuẩn khác nhau cả về phần mềm lẫn phần cứng và cho phép các khả năng tương tác đa dạng.


Hình 1: Nền tảng IoT trong hệ sinh thái IoT (Nguồn: IoT-Analytics)

Ở cấp độ đơn giản nhất, nền tảng IoT chỉ cho phép tạo kết nối giữa các đối tượng và ở hình thức phức tạp hơn, một nền tảng IoT đầy đủ sẽ bao gồm 8 khối tính năng quan trọng bao gồm: kết nối và chuẩn hóa (Connectivity & normalization), quản lý thiết bị (device management), cơ sở dữ liệu (database), xử lý và quản lý hành động (processing & action management), phân tích (analytics), trực quan hóa (visualization), các công cụ bổ sung và giao diện bên ngoài (additional tools, and external interfaces) [1].


Hình 2: Mô hình các khối tính năng của nền tảng IoT hoàn chỉnh (Nguồn: IoT-Analytics)

Lựa chọn nền tảng điện toán đám mây IoT phục vụ cho nghiên cứu ứng dụng Smarthome trong chuỗi bài viết.

Trong thực tế khi tìm hiểu, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng có rất nhiều công ty cung cấp giải pháp gọi là “nền tảng IoT” nhưng nếu không hiểu rõ và phân tích kỹ các tính năng mà nền tảng đó cung cấp sẽ khó có thể phân biệt được liệu giải pháp đó có đề cập đến một nền tảng IoT hoàn chỉnh hay không. Một nền tảng IoT trưởng thành và hoàn chỉnh yêu cầu phải có tất cả 8 yếu tố mô tả Hình 2.

Theo báo cáo của tổ chức chuyên nghiên cứu về thị trường IoT có tên IoT Analytics, nhóm dẫn dầu (Leaders) về cung cấp nền tảng điện toán đám mây IoT gồm một số hãng công nghệ nổi tiếng như Amazon AWS IoT, Microsoft Azure IoT, Google Cloud IoT hay Oracle IoT Cloud,… được thể hiện trong Hình 3. Trong phạm vi thực hiện chuỗi bài viết này, nhóm sẽ lựa chọn 2 trong số các nền tảng điện toán đám mây thuộc nhóm dẫn đầu này và đáp ứng đầy đủ 8 mô đun tính năng kể trên là: Amazon AWS IoT (thuộc Amazon Web Server) là một trong số những nền tảng IoT ra đời sớm nhất (năm 2015) được xem là nền tảng đứng đầu thế giới trong nhiều năm qua và Google Cloud IoT (thuộc Google Cloud Platform) là nền tảng ra đời muộn hơn (năm 2017) nhưng với hạ tầng điện toán đám mây có sẵn mạnh mẽ đang cho thấy được tốc độ phát triển cực kỳ nhanh.


Hình 3: Xếp hạng các nền tảng IoT trên thế giới năm 2019 (Nguồn: IoT-Analytics)

Tìm hiểu thêm:
Fanpage Cộng đồng Kỹ thuật TAPIT: TAPIT – Learning, Research and Sharing Community

Chuỗi bài viết được thực hiện và chia sẻ bởi LCV.Khải và Các nhóm nghiên cứu tại Cộng đồng Kỹ thuật TAPIT
Chúc các bạn thành công!

Tài liệu tham khảo
[1] IoT-Analytics, IoT Platforms – The central backbone for the Internet of Things, Nov 2015.