Điện toán đám mây: Định nghĩa, phân loại, mô hình triển khai và lợi ích

Chắc hẳn các bạn đã từng nghe nhiều về Điện toán đám mây hay Cloud computing. Vậy Điện toán đám mây được định nghĩa như thế nào? Nó được chia thành bao nhiêu loại? Có các mô hình triển khai nào và lợi ích khi sử dụng Điện toán mây là gì? Bài viết này sẽ giúp các bạn làm rõ các thông tin trên. 

1. Định nghĩa về điện toán đám mây: Điện toán đám mây là việc cung cấp các dịch vụ diện toán theo yêu cầu bao gồm: máy chủ; dịch vụ lưu trữ; CSDL; phần mềm; công cụ phân tích, tính toán,… qua môi trường Internet. Điều khác biệt của dịch vụ điện toán đám mây là thay vì mua, sở hữu và duy trì các trung tâm dữ liệu thì người dùng có thể truy cập và sử dụng các dịch vụ điện toán trên cơ sở hạ tầng của một nhà cung cấp như Amazon Web Service, Google Cloud Platform, Microsoft Azure,… [1].

2. Phân loại điện toán đám mây: Hầu hết các dịch vụ điện toán đám mây được chia thành 3 loại chính: cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS), nền tảng như một dịch vụ (PaaS), và phần mềm như một dịch vụ (SaaS) [2]. Mỗi loại điện toán đám mây cung cấp các cấp độ kiểm soát, tính linh hoạt và khả năng quản lý khác nhau để người dùng có thể lựa chọn tập hợp các dịch vụ phù hợp với nhu cầu riêng.

  • Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS): đây là loại cơ bản nhất của dịch vụ điện toán đám mây, chứa các khối hạ tầng cơ bản cho lĩnh vực công nghệ thông tin và thường cung cấp các dịch vụ về mạng, máy chủ chuyên dụng hoặc máy ảo, dịch vụ lưu trữ, hệ điều hành với hình thức dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, cung cấp mức độ linh hoạt cao nhất và có quyền quản lý, kiểm soát đối với tất cả tài nguyên được thuê.
  • Nền tảng như một dịch vụ (PaaS): đề cập đến các dịch vụ điện toán đám mây cung cấp môi trường theo yêu cầu để phát triển, thử nghiệm, phân phối và quản lý các ứng dụng phần mềm. PaaS thường được thiết kế để giúp các nhà phát triển dễ dàng tạo nhanh các ứng dụng web hoặc ứng dụng dành cho thiết bị di động mà không cần lo lắng về việc thiết lập hoặc quản lý cơ sở hạ tầng cơ bản của máy chủ (thường là phần cứng và hệ điều hành).
  • Phần mềm như một dịch vụ (SaaS): cung cấp cho khách hàng một sản phẩm phần mềm hoàn chỉnh được duy trì và quản lý bởi nhà cung cấp dịch vụ. Trong hầu hết các trường hợp, SaaS đề cập đến các ứng dụng của người dùng cuối, nghĩa là người sử dụng không cần quan tâm về cách thức dịch vụ được duy trì hoặc cơ sở hạ tầng bên dưới được quản lý như thế nào mà chỉ cần quan tâm đến mục đích sử dụng phần mềm cụ thể đó là gì.

3. Các mô hình triển khai điện toán đám mây: Không phải tất cả các mô hình điện toán đám mây đều giống nhau và cũng không có loại điện toán đám mây nào là phù hợp cho tất cả trường hợp sử dụng. Vì vậy để triển khai mô hình điện toán đám mây phù hợp với từng hệ thống có thể sử dụng một trong ba mô hình sau:

  • Đám mây công cộng (Public cloud): là mô hình điện toán đám mây mà các tài nguyên dịch vụ được sở hữu và vận hành bởi một bên thứ ba cụ thể là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Với mô hình này, tất cả tài nguyên bao gồm phần cứng, phần mềm và cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác đều do nhà cung cấp đám mây sở hữu và quản lý. Người sử dụng chỉ có thể truy cập các dịch vụ này và quản lý tài khoản của mình bằng trình duyệt web hoặc các công cụ chuyên dụng từ xa.
  • Đám mây riêng tư (Private cloud): là mô hình điện toán đám mây mà các tài nguyên được sở hữu riêng, thường là doanh nghiệp hoặc tổ chức. Một số công ty cũng trả chi phí để thuê các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba để lưu trữ đám mây riêng tư của họ. Đối với mô hình này, các dịch vụ và cơ sở hạ tầng thường được duy trì, vận hành trên một mạng riêng tư.
  • Đám mây kết hợp (Hybrid cloud): là mô hình kết hợp giữa hai mô hình đám mây công cộng và đám mây riêng tư được ràng buộc, liên kết với nhau bằng một số công nghệ để có thể chia sẻ dữ liệu và ứng dụng giữa chúng. Bằng cách cho phép dữ liệu và ứng dụng có thể chia sẻ lẫn nhau giữa hai mô hình, đám mây kết hợp mang lại cho doanh nghiệp sự linh hoạt, nhiều tùy chọn triển khai hơn và giúp tối ưu hóa cơ sở hạ tầng, bảo mật và quy trình hiện có.

4. Lợi ích điện toán đám mây: Sự ra đời của điện toán đám mây là sự thay đổi lớn so với mô hình truyền thống và luận văn nêu ra 5 lý do quan trọng giải thích vì sao các tổ chức dần chuyển sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây [3]:

  • Chi phí: điện toán đám mây giúp loại bỏ chi phí đầu tư ban đầu khi mua phần cứng và phần mềm cũng như chi phí để thiết lập trung tâm dữ liệu tại chỗ: không gian đặt máy chủ, điện năng tiêu thụ, hệ thống làm mát, chuyên gia CNTT quản lý cơ sở hạ tầng,… sẽ làm chi phí tăng lên nhanh chóng.
  • Tốc độ triển khai: với tính sẵn sàng cao và khả năng cung cấp dịch vụ theo yêu cầu, một lượng lớn tài nguyên máy tính cũng có thể được cung cấp trong vài phút với chỉ vài thao tác trên giao diện website, mang lại cho doanh nghiệp sự linh hoạt, đẩy nhanh tốc độ triển khai hệ thống và giảm bớt áp lực trong việc hoạch định năng suất.
  • Khả năng mở rộng: điện toán đám mây cung cấp một lợi ích cực kỳ mạnh mẽ đó là khả năng mở rộng và co giãn lượng tài nguyên tự động theo nhu cầu sử dụng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp không lo lắng về khả năng mở rộng và mặt khác cũng giúp tối ưu về mặt chi phí khi chỉ cần trả phí cho lượng tài nguyên đã sử dụng.
  • Độ tin cậy: điện toán đám mây cung cấp tính năng sao lưu dữ liệu, khôi phục dữ liệu khi gặp sự cố và đảm bảo sự liên tục trong vận hành. Đây là yếu tố rất quan trọng đối với các doanh nghiệp lớn với lượng khách hàng sử dụng và dữ liệu khổng lồ.
  • Bảo mật: các nhà cung cấp dịch vụ đám mây thường cung cấp một loạt các chính sách, quy trình về bảo mật và kiểm soát truy cập giúp bảo vệ dữ liệu, ứng dụng và cơ sở hạ tầng của người dùng khỏi các mối đe dọa tiềm ẩn

 

Tìm hiểu thêm:
Fanpage Cộng đồng Kỹ thuật TAPIT: TAPIT – Learning, Research and Sharing Community

LCV.Khải, Cộng đồng Kỹ thuật TAPIT
Chúc các bạn thành công!

Tài liệu tham khảo
[1] Microsoft Azure (2020), “What is cloud computing?”, https://azure.microsoft.com/en-in/overview/what-is-cloud-computing/.
[2] AWS (2020), “Types of cloud computing”, https://aws.amazon.com/what-is-cloud-computing/.
[3] Microsoft Azure (2020), “Top benefits of cloud computing”, https://azure.microsoft.com/en-in/overview/what-is-cloud-computing/.