Internet of Things (IoTs)vẫn đang phát triển vô cùng mạnh mẽ tạo ra một lượng dữ liệu khủng lồ, đặt ra bài toán về lưu trữ, xử lý dữ liệu và khai thác một cách hiệu quả nhất. Rất nhiều doanh nghiệp và công ty hiện nay đang chọn giải pháp xử lý dữ liệu trên các nền tảng đám mây thay vì xây dựng một lượng lớn máy chủ nội bộ bởi tính chất auto-scale cũng như những ưu thế về hạ tầng mà các dịch vụ đám mây đem lại. Với bề dày lịch sử về thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu, không thể không nhắc đến các nền tảng và những giải pháp mà Google mang lại trong các ứng dụng IoTs.
Nhóm TAPIT IoTs thực hiện series bài viết này với mục đích hướng dẫn tổng quan từ lý thuyết đến thực hành giúp các bạn xây dựng được một ứng dụng IoTs hoàn chỉnh sử dụng ESP32 kết nối tới dịch vụ Google Cloud IoT Core (gọi tắt là GCIC). Từ đó, các bạn có thể tự mình xây dựng và tích hợp dịch vụ này vào các hệ thống IoTs của riêng mình. Chúng ta cùng bắt đầu với phần 1 nhé!
Phần 1: Tổng quan về Google Cloud IoT Core và hướng dẫn liên kết tài khoản
1. Tổng quan về Google Cloud Platform và Google Cloud IoT Core
Dịch vụ Google Cloud IoT Core là 1 dịch vụ con nằm trong nền tảng Google Cloud Platform (GCP). Đây là 1 dịch vụ hữu ích cho phép chúng ta tạo kết nối hai chiều an toàn giữa các thiết bị IoT với nền tảng đám mây của Google thông qua các phương thức bảo mật tối ưu. Với nền tảng mà google cung cấp, các nhà phát triển không cần phải bận tâm về cơ sở hạ tầng, thiết lập bảo mật, làm thế nào để trích xuất dữ liệu hay phân tích dữ liệu từ các thiết bị IoT sao cho hiệu quả. Vì bên cạnh dịch vụ GCIC, GCP còn cung cấp cho chúng ta rất nhiều dịch vụ con với các chức năng khác nhau như Cloud BigQuery, AutoML, DataLab,… Và Google Cloud IoT Core chính dịch vụ nền trang, đóng vai trò cầu nối quan trọng để các thiết bị IoT của chúng ta có thể dễ dàng tương tác với các dịch vụ đó.
Ví dụ về một mô hình mẫu giữa Cloud IoT Core với các dịch vụ khác của GCP
2. Sơ lược về mô hình của Google Cloud IoT Core
Google Cloud IoT Core là một dịch vụ quản lý với 2 thành phần chính là Device Management và Communication Broker.
- Device Management: Đây là thành phần cho phép chúng ta tổ chức việc kết nối và quản lý các thiết bị IoT với GCIC. Các thiết bị kết nối tới Google Cloud IoT Core sẽ được xem như là một “device”. Nhóm các “device” lại với nhau, chúng ta sẽ có một “registry” là ô chứa đại diện cho cả các “device” đó. Việc khởi tạo và quản lý “device” với “registry” sẽ phụ thuộc vào cách tổ chức của chúng ta.
- Communication Broker: đây là thành phần cung cấp các giao thức truyền thông để chúng ta có thể truyền nhận dữ liệu với GCIC, hiện GCIC hỗ trợ 2 loại giao thức rất phổ biến đó là MQTT (sử dụng TLS) và HTTPS. Và một thành phần có tên Data Broker sẽ có nhiệm vụ chuyển tiếp, phân phối các luồng dữ liệu đến một dịch vụ khác để thực hiện lưu trữ xử lý có tên gọi là Cloud Pub/Sub.
3. Thiết lập GCP để liên kết với tài khoản google
Để bắt đầu với Google Cloud IoT Core, trước tiên bạn cần phải có tài khoản google. Các bạn có thể đăng ký tại đây. Sau khi đăng ký tài khoản google xong, bạn có thể đăng nhập và chuyển hướng tới giao diện Console của Google Cloud Platform.
Để bắt đầu, chúng ta khởi tạo một project trong GCP. Sau đó, chúng ta liên kết tài khoản Google với dịch vụ Billing. (Lưu ý để đăng ký thành công bạn cần phải có thông tin thẻ Visa hoặc MasterCard, các bạn có thể đăng ký mở thẻ ở các ngân hàng trong nước).
Sau khi liên kết thành công dịch vụ Billing với tài khoản google của bạn. Lúc này sẽ tự động được điều hướng đến trang console chuyển tới dịch vụ Google Cloud IoT Core và chỉ cần chọn Enable để kích hoạt dịch vụ này.
Ở phần này mình đã giới thiệu tổng quan về nền tảng Google Cloud Platform và mô hình Google Cloud IoT Core cũng như những thành phần cơ bản bên trong. Trong những phần sau, mình sẽ sẽ đi sâu hơn vào lý thuyết chi tiết cũng như hướng dẫn thực hành để các bạn có thể hiểu rõ hơn và biết cách xây dựng ứng dụng hoàn chỉnh. Đừng quên theo dõi để không bỏ lỡ nhé, chúng các bạn thành công!
Nhóm TAPIT IoTs
Xem tiếp phần 2: Hướng dẫn tạo chứng chỉ cho thiết bị để kết nối với Google IoT Core
Xem thêm: Tổng hợp hướng dẫn Internet of Things với NodeMCU ESP8266 và ESP32